Giải pháp PCCC cho công trình nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất
Một số giải pháp PCCC cho công trình nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất
Công trình nhà ga hàng không, do điều kiện đặc thù nên sẽ có những trường hợp riêng để phục vụ cho mục đích dân dụng đặc biệt của nhà ga hàng không.
Liên quan đến đề xuất áp dụng một số giải pháp về phòng cháy chữa cháy (PCCC) khi thiết kế công trình nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP (ACV), Bộ Xây dựng đã có văn bản góp ý vấn đề này.
Theo Bộ Xây dựng, công trình nhà ga hàng không, do điều kiện đặc thù nên sẽ có những trường hợp riêng để phục vụ cho mục đích dân dụng đặc biệt của nhà ga hàng không.
Thang thoát nạn cho nhà ga hàng không
Đối với thang thoát nạn cho nhà ga hàng không có thể áp dụng tiêu chuẩn PCCC Singapore SCDF 2018 (là tài liệu chuẩn đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi tại các nước tiên tiến) theo đề xuất tại mục 1c văn bản 5054/TCTCHKVN-PMUT3TIA với các điều kiện.
Cụ thể, nhà ga được tính toán và bố trí đủ các lối ra thoát nạn cho các tầng của công trình theo quy định của QCVN 06:2021/BXD và QCVN 06:2022/BXD.
Các đường thoát nạn từ buồng thang bộ của công trình nhà ga hàng không ra ngoài phải được thông thoáng và được tính toán số lượng người trên 1 tầng của nhà ga thoát ra ngoài nhanh nhất.
Giải pháp ngăn cháy lan cho khu vực thông tầng
Về giải pháp ngăn cháy lan cho khu vực thông tầng, Bộ Xây dựng cho rằng có thể áp dụng tiêu chuẩn IBC 505.2.1 Exception (cũng là tài liệu chuẩn), theo đề xuất tại mục 2c văn bản 5054/TCTCHKVN-PMUT3TIA. Tuy nhiên, cần lưu ý, giải pháp ngăn cháy lan cho khu vực thông tầng phải được tính toán để đảm bảo hạn chế diện tích cháy, cường độ cháy và thời gian cháy.
Lỗ thông trong các bộ phận ngăn cháy của khoang cháy
Đối với lỗ thông trong các bộ phận ngăn cháy của khoang cháy, giải pháp do Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam - CTCP đề xuất tại mục 3c đối với phần lỗ mở vượt khoảng 7% so với quy định của QCVN 06:2021/BXD, có thể được xem xét trên cơ sở các tài liệu chuẩn.
Giải pháp này phải được cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn có thẩm quyền thẩm duyệt theo quy định.
Tiếp cận lối vào từ trên cao
Bên cạnh đó, giải pháp đề xuất thiết kế lối tiếp cận từ trên cao (có hình vẽ kèm theo văn bản 5054/TCTCHKVN-PMUT3TIA) thể hiện khoảng cách theo phương ngang từ bãi đỗ xe PCCC đến điểm giữa của lối vào từ trên cao tại tầng 2 là 2,2 m. Các tầng 3 và 4 lùi vào, với khoảng cách từ bãi đỗ xe PCCC đến điểm giữa của lối vào từ trên cao tại tầng 3 & 4 là 21 m.
Theo đề xuất tại Mục 4c văn bản 5054/TCTCHKVN-PMUT3TIA, đối với trường hợp đặc thù của nhà ga hàng không, Bộ Xây dựng đề nghị ACV bổ sung, làm rõ các giải pháp thiết kế và thi công xây dựng trên cơ sở các tài liệu chuẩn, đảm bảo yêu cầu lực lượng chữa cháy có thể nhanh chóng vào được từ lối vào trên cao tại tầng 3&4 để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và chữa cháy trình cơ quan Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn thẩm duyệt theo quy định.
Ngoài ra còn có các quy định về yêu cầu chung trong PCCC tại cảng hàng không, sân bay như sau:
- Người khai thác cảng hàng không, sân bay phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cảng hàng không, sân bay trong việc phòng, chống cháy nổ tại cảng hàng không, sân bay; thành lập đội chữa cháy chuyên ngành, thường xuyên duy trì chế độ huấn luyện phương pháp chữa cháy, cách sử dụng các phương tiện chữa cháy được trang bị; bố trí nhân viên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy thường xuyên; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy.
- Người khai thác cảng hàng không, sân bay ban hành quy trình kiểm tra các hạng mục của kết cấu hạ tầng, thiết bị; duy trì vật tư, vật liệu, nước dự trữ phục vụ công tác khẩn nguy sân bay, phòng cháy, chữa cháy tại cảng hàng không, sân bay.
- Nội dung huấn luyện phòng cháy, chữa cháy phải phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy đặc thù của cơ sở. Đối với lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành tại các sân bay; ngoài các nội dung huấn luyện chữa cháy khẩn nguy trên sân bay, chữa cháy cứu nạn tàu bay, phải được huấn luyện các chiến thuật chữa cháy tại các khu vực trong nhà ga, kho, đài trạm, công trình bảo đảm hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay.
- Việc thiết kế, xây dựng, sửa chữa, cải tạo, khai thác nhà ga phải tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy hiện hành.
- Việc sử dụng các thiết bị ga, thiết bị điện để chế biến thực phẩm trong khu vực nhà ga phải phù hợp với các quy định về an toàn khai thác trong tài liệu khai thác công trình và tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
- Không được hút thuốc trong cảng hàng không, sân bay trừ những khu vực dành riêng để hút thuốc.
- Xưởng sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay phải có hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy tự động, hệ thống phòng cháy, chữa cháy đối với tàu bay.
- Các cơ quan, đơn vị hoạt động tại cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm gửi phương án phòng cháy, chữa cháy của đơn vị và cập nhật khi có sự thay đổi cho người khai thác cảng hàng không, sân bay để phối hợp triển khai xử lý khi phát sinh tình huống.